Xu hướng phát triển của các mô hình phân phối và nhu cầu kho vận
Hiện nay, tại thị trường VN, các nhà sản xuất và phân phối hàng nhập khẩu đang kết hợp song song các mô hình phân phối truyền thống và hiện đại. Sự đa dạng của các mô hình phân phối kéo theo các cơ hội cho thị trường kho vận VN.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vừa và nhỏ của VN chủ động từ sản xuất, lưu kho hàng trong nhà máy kiêm tự lo phần vận chuyển hàng hóa đến các đại lý bán hàng, hạn chế sử dụng kênh phân phối trung gian. Điều này dẫn tới việc các DN này thiếu chủ động về nguồn hàng sẵn có để phục vụ thị trường, nhất là vào mùa cao điểm hoặc cho các vùng nằm xa khu vực sản xuất.
Đối với các nhà sản xuất lớn, các công ty đa quốc gia thì họ vừa kết hợp việc chủ động tự xây dựng hệ thống kho trung chuyển và điều tiết hàng hóa đến các vùng miền, vừa sử dụng dịch vụ của các công ty logistics cho các khu vực, nơi họ chưa có nguồn lực hay không chú trọng đầu tư dàn trải vào tài sản cố định nhưng muốn mở rộng thị trường, tăng thị phần. Điển hình như Unilever Việt Nam đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối hàng hoá được xem là lớn và hiện đại ở VN với tổng diện tích kho cho thuê Bình Dương lên đến 100.000m2.
Ngoài ra họ vẫn sử dụng dịch vụ kho vận ở bên ngoài, hàng hóa sau khi được sản xuất tại nhà máy sẽ được tập kết về kho và các trung tâm phân phối, tiếp đó sẽ được chuyển cho các đại lý. Bên cạnh đó, một số công ty đa quốc gia áp dụng mô hình phân phối tinh giản, cắt bỏ hệ thống tổng đại lý tại vùng phân phối, thay vào đó sử dụng hệ thống trung tâm phân phối ± kho vận của họ tự đầu tư nhưng chủ yếu là kết hợp với các DN cung ứng dịch vụ logistics có khả năng cung ứng dịch vụ 3PL đặt tại các vùng phân phối chiến lược.
Với mô hình này họ liên kết các kho vệ tinh và tin tưởng nhà cung ứng dịch vụ 3PL để giao toàn bộ các công việc từ lưu kho hàng, nhận đơn hàng, xử lý đơn hàng, giao hàng đến các đại lý bán hàng trực tiếp và gom hàng, trả hàng lỗi, hàng bảo hànhº Mô hình này giúp DN giảm thiểu rủi ro bị chiếm dụng vốn, tồn kho ảo, bị động trong kế hoạch sản xuất do bị chi phối của các tổng đại lý mà dịch vụ khách hàng lại hiệu quả, nhanh chóng.
Sự phát triển của nền kinh tế nói chung, của ngành logistics nói riêng đã và đang đặt ra yêu cầu kho đúng nghĩa là một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng và là đầu não của hoạt động phân phối. Nâng tầm các kho, bãi hàng hóa đơn thuần tại VN trở thành các Trung tâm Phân phối và Trung tâm Tiếp vận đúng nghĩa trong logistics.
Ngày càng nhiều DN lớn của VN và các công ty đa quốc gia đang đi theo xu hướng thuê công ty logistics thực hiện công việc hậu cần, trong đó có kho bãi. Do chi phí hậu cần chiếm khoảng 5 – 10% chi phí giá thành sản phẩm nhưng nếu đầu tư cả hệ thống thì chi phí cố định sẽ tăng lên đến 40 – 60%.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh logistics và công ty đa quốc gia đang đầu tư kinh doanh kho vận ở VN, và xem lĩnh vực này là tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó nhiều DN logistics VN có tầm nhìn xa và tham vọng lớn với lợi thế hiểu biết thị trường địa phương, sở hữu tài sản cố định với diện tích lớn tại các vị trí đắc địa, đang đầu tư bài bản, đồng bộ vào hệ thống kho vận và chuỗi dịch vụ đi kèm, hứa hẹn mở ra cuộc cạnh tranh quyết liệt để chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong thời gian tới.
Do đa phần quỹ đất để xây dựng kho đều thuộc quyền sở hữu của DN kinh doanh kho bãi của VN, trong khi các công ty nước ngoài đa phần phải thuê kho bãi của Việt Nam hoặc liên doanh (từ ngày 11.01.2007, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh tại VN để kinh doanh kho ngoại quan với điều kiện trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 51%). Hình thức liên doanh, theo đánh giá, là cơ hội để các DNVN chuyển mình trong lĩnh vực kinh doanh kho bãi theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn.
Kho vận VN và con đường hướng đến “best practice”
Xu hướng các công ty đa quốc gia hay DN lớn tại VN sử dụng các dịch vụ logistics bên ngoài vừa là cơ hội và là thách thức đối với các DN kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam. Khi lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ logistics 3PL nhà sản xuất không chỉ trao trọn niềm tin về an toàn tài sản là hàng hóa mà còn cả các yếu tố bảo mật về khách hàng, thị trường và quan trọng nhất là uy tín thương hiệu khi cho phép tham gia sâu và trở thành một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng của DN.
Niềm tin đầu tiên bắt đầu từ việc đánh giá chất lượng hệ thống hạ tầng kĩ thuật và dịch vụ kho như diện tích, đầy đủ phân khu chức năng, vận hành theo tiêu chuẩn vận hành theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế, dịch vụ gia tăng giá trị; giao thông nội bộ thuận tiện, trang thiết bị hạ tầng kĩ thuật, công nghệ thông tin hiện đại. Ở VN hiện nay, đa phần các hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp Việt chưa đảm bảo được tiêu chuẩn trên, có rất ít kho, bãi, các trung tâm phân phối ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng, đặc biệt là công ty đa quốc gia sản xuất và phân phối hàng hóa tại VN.
Việc đầu tư cho hệ thống kho bãi đúng tiêu chuẩn quốc tế đang rất khó khăn đối với đa phần các DNVN. Nhưng cũng có không ít DN trong nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào phát triển kho bãi, trung tâm phân phối hiện đại.
Từ nhận thức về tầm quan trọng của kho vận trong việc tạo ra giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng, từ áp lực cạnh tranh và hội nhập, các DN logistics VN đã và đang thực hiện sự đột phá khá mạnh mẽ về kho vận theo các chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ chuỗi cung ứng của các khách hàng trong nước và khu vực. Sự đột phá này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành logistics VN trong tương lai.