Hơn 80% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, công nghệ chính là lợi thế cạnh tranh, theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Logistics Việt Nam.
Tại một hội thảo về logistics do YBA mới tổ chức gần đây, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, đã cho biết những thông số về bức tranh logistics của Việt Nam.
Quy mô ngành logistics Việt Nam khoảng 40 tỷ USD
Theo số liệu mà ông Khoa cung cấp, Việt Nam hiện nay có khoảng 30.000 công ty logistics, trong đó có 4.000 công ty giao nhận – logistics quốc tế.
Tốc độ phát triển của ngành logistics là khoảng từ 12 đến 14%, quy mô thị trường khoảng 40 – 42 tỷ USD.
Điểm nhấn đặc biệt của logistics là từ cách làm truyền thống sang logistics thương mại điện tử.
Chi phí vận tải của Việt Nam đang chiếm khoảng 16 đến 17% GDP trong năm 2018 trong khi đó ngành đóng góp khoảng 4 đến 5% GDP.
Gần nửa số doanh nghiệp logistics đã áp dụng công nghệ
Ông Khoa cho biết, theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội, hiện số lượng công ty logistics áp dụng công nghệ đã tăng lên 40-50% so với 15-20% năm 2016.
87% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chính công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Và 83% doanh nghiệp cho rằng nhiệm vụ chính trong thúc đẩy đổi mới công nghệ thuộc về nhà cung cấp dịch vụ logistics.
Các giải pháp công nghệ đã được sử dụng tại Việt Nam như FMS, TMS, WMS bao gồm các giải pháp quốc tế của Oracle, Wise Tech Global và các giải pháp nội địa.
Ông Khoa cũng cung cấp con số cụ thể về các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong logistics như quản lý đặt hàng, quản lý nguồn lực, công nghệ truy vết hàng hóa, khai báo hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử…
Theo Kế hoạch 200/QĐ-TTG đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của logistics sẽ là 15 đến 20%, chi phí logistics sẽ dao động từ 16 đến 20% của GDP và đóng góp của ngành sẽ vào khoảng 8 đến 10% GDP.
—Nguồn: http://cafebiz.vn—-